Trang chủ

Sứ mệnh

Cây dừa được coi là cây chủ lực của Bến Tre và đang được chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết việc trồng dừa theo hướng hữu cơ có rất nhiều ưu điểm, từ năng suất tốt hơn, được các doanh nghiệp đến thu mua bao tiêu tại vườn, lại đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị.

Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn cho bà con để trồng dừa hữu cơ sao cho hiệu quả. Từ ủ phân hữu cơ, kĩ thuật canh tác dừa, quản lý bệnh hại trên dừa, liên kết sản xuất tiêu thụ dừa, phối hợp xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ và mô hình sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Tính đến nay, Bến Tre phát triển hơn 3.200ha dừa hữu cơ tập trung, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên hơn 13.000ha.

Các HTX cũng góp phần quan trọng vào việc nhân rộng mô hình trồng dừa hữu cơ. HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, Bến Tre) thành lập năm 2020, hoạt động kinh doanh đa ngành nghề; trong đó chủ yếu là sản xuất chuỗi giá trị cây dừa theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

HTX Mỹ Hoà hiện có 125 thành viên là nông dân trồng dừa trên địa bàn xã, với diện tích 80ha. HTX phối hợp với Công ty TNHH Nam Minh (TP. Hồ Chí Minh) cung cấp phân vi sinh ORGANIC FERTILIZER nhập khẩu từ Hàn Quốc để triển khai mô hình sản xuất dừa hữu cơ. Gần 2 năm thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Trong tổng số 125 thành viên HTX thì đã có trên 50 hộ tham gia sản xuất dừa hữu cơ với khoảng 80ha.

Đặc biệt, HTX đã thành lập Tổ chuyên sản xuất dừa hữu cơ theo hướng xuất khẩu, có 8 hộ tham gia, với diện tích 10ha, trung bình mỗi tháng cung ứng xuất khẩu qua thị trường Mỹ từ 8 – 10 ngàn trái dừa; người dân tham gia tổ có thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa, là thành viên HTX tiên phong tham gia chuỗi liên kết sản xuất dừa hữu cơ, cũng là thành viên Tổ chuyên sản xuất dừa hữu cơ xuất khẩu cho biết: “Hiện tại, vườn dừa nhà tôi có khoảng 120 gốc. Gần 2 năm nay, tôi tham gia vào liên kết trồng dừa hữu cơ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hòa. Hiệu quả trồng dừa theo hướng hữu cơ cao hơn so với trước đây, bởi dừa cho trái nhiều hơn, to đều hơn; đầu ra được bao tiêu. Mỗi tháng, vườn dừa thu hoạch 1 lần, sản lượng 1.400 – 1.600 trái/lần (trước đây chỉ 500 – 700 trái/lần); giá bán cao hơn dừa trồng theo truyền thống khoảng 20 – 40 ngàn đồng/chục”.

Đặc biệt trong điều kiện xâm nhập mặn, trồng dừa theo hướng hữu cơ sử dụng phân vi sinh bón cho dừa, đảm bảo được năng suất, chất lượng dừa đồng đều, ít bị mất năng suất. Quan trọng nhất là sự thay đổi này mang tính bền vững, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu.

Không chỉ Bến Tre, Trà Vinh hiện cũng đang nhân rộng mô hình trồng dừa hữu cơ. Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 23.800ha dừa, trong đó có khoảng gần 1.300ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Trà Vinh phấn đấu diện tích dừa đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt 3.000ha, tập trung tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và TP Trà Vinh.